Hội chứng ruột kích thích là gì? Các công bố khoa học về Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là rối loạn chức năng thường gặp ở đại tràng, không gây tổn thương nhưng ảnh hưởng cuộc sống. Triệu chứng gồm đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, đầy hơi. Nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng có thể do mất cân bằng vi khuẩn, di truyền, căng thẳng. Chẩn đoán thông qua triệu chứng và loại trừ rối loạn khác. Điều trị gồm điều chỉnh ăn uống, dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, và tập thể dục. Phòng ngừa bằng chế độ ăn hợp lý và giảm căng thẳng. IBS mạn tính nhưng có thể kiểm soát với chăm sóc thích hợp.

Hội Chứng Ruột Kích Thích: Giới Thiệu Chung

Hội chứng ruột kích thích (IBS - Irritable Bowel Syndrome) là một rối loạn chức năng thường gặp ảnh hưởng đến đại tràng. Dù không gây tổn thương nghiêm trọng, IBS có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biểu hiện chính của hội chứng này là đau bụng, tiêu chảy, táo bón, hoặc kết hợp cả hai.

Triệu Chứng

Các triệu chứng của IBS thường khác nhau ở mỗi người và có thể dao động từ nhẹ đến nghiêm trọng. Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Đau bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới.
  • Thay đổi thói quen đại tiện: tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai.
  • Đầy hơi hoặc gia tăng khí ruột.
  • Cảm giác đi ngoài nhưng không hiệu quả.
  • Xuất hiện chất nhầy trong phân.

Nguyên Nhân

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra IBS vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nó có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố như:

  • Mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột.
  • Di truyền học.
  • Rối loạn chức năng hệ thần kinh ruột.
  • Căng thẳng và áp lực tâm lý.

Chẩn Đoán

IBS thường được chẩn đoán bằng cách xem xét triệu chứng và loại trừ các rối loạn tiêu hóa khác. Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và nội soi đại tràng để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn như bệnh viêm ruột hoặc ung thư đại tràng.

Điều Trị

Điều trị IBS chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: tăng cường chất xơ, tránh thực phẩm gây khó chịu như caffeine, rượu, đồ ăn nhiều gia vị.
  • Thuốc: thuốc chống co thắt cơ trơn, thuốc an thần, và các loại thuốc nhắm tới triệu chứng tiêu hóa cụ thể.
  • Liệu pháp tâm lý: kỹ thuật giảm căng thẳng, hỗ trợ tâm lý.
  • Tập luyện thể dục: cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm căng thẳng.

Phòng Ngừa

Mặc dù không có cách phòng ngừa hiệu quả tuyệt đối cho IBS, một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ và tác động của triệu chứng như:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và giàu chất xơ.
  • Cố gắng giảm căng thẳng bằng luyện tập yoga, thiền định hoặc các hoạt động giải trí.
  • Theo dõi các thực phẩm hoặc thói quen sinh hoạt gây ra triệu chứng và thay đổi chúng.

Kết Luận

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn mạn tính, nhưng không gây nguy hiểm tính mạng. Với sự chăm sóc và quản lý thích hợp, nhiều người có thể kiểm soát tốt triệu chứng và duy trì cuộc sống bình thường. Việc hiểu rõ hơn về hội chứng này và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời là yếu tố quan trọng để quản lý IBS hiệu quả.

Danh sách công bố khoa học về chủ đề "hội chứng ruột kích thích":

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ HÌNH ẢNH NỘI SOI ĐẠI TRÀNG BỆNH NHÂN CÓ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH THEO TIÊU CHUẨN ROME IV
Đặt vấn đề: Hội chứng ruột kích thích (IBS: Irritable bowel syndrome) là một rối loạn chức năng tiêu hóa. Theo tiêu chuẩn ROME IV, bệnh nhân có IBS khi có triệu chứng đau bụng ít nhất 1 lần/tuần trong vòng 3 tháng gần nhất liên quan đến rối loạn đi tiêu. Các bệnh lý viêm loét đại tràng, polyp hay ung thư đại trực tràng cũng có triệu chứng giống IBS nhưng thường kèm theo triệu chứng báo động. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi của bệnh nhân hội chứng ruột kích thích theo tiêu chuẩn Rome IV. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, ghi nhận triệu chứng lâm sàng, kết quả nội soi đại trực tràng của những bệnh nhân ≥18 tuổi đã được nội soi tại trung tâm nội soi của Bệnh viện trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2021-2022. Kết quả: Chúng tôi ghi nhận 187 ca được nội soi đại trực tràng, 54% có tổn thương trên nội soi đại trực tràng gồm: 60,3% có triệu chứng báo động, 41% không có triệu chứng báo động. Trong đó có 17,6% Viêm/loét, 36,9% polyp, 13,4 % túi thừa. Kết luận: Nhóm bệnh nhân có tổn thương trên nội soi, đa số bệnh nhân có triệu chứng báo động nhưng vẫn có một số bệnh nhân không có triệu chứng báo động. Vì vậy trong quy trình chẩn đoán IBS cần chú trọng loại trừ những yếu tố nguy cơ và chỉ định cận lâm sàng tầm soát như nội soi đại trực tràng nên được thực hiện.   
#Hội chứng ruột kích thích #tiêu chuẩn ROME IV #triệu chứng báo động #nội soi đại trực tràng
Đánh giá tác dụng của viên nang cứng HCR1 trong điều trị hội chfíng ruột kích thích
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 1 Số đặc biệt 20/11 - Trang 104-108 - 2021
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng điều trị của viên nang cứng HCR1 trên bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp tiến cứu, can thiệp lâm sàng mở, so sánh trước và sau điều trị, chọn mẫu thuận tiện trên 70 bệnh nhân (BN) hội chứng ruột kích thích được điều trị bằng viên nang cứng HCR1 từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2020 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an. Các kết quả được đánh giá tại ba thời điểm: ngay sau phẫu thuật, thời điểm ra viện và sau phẫu thuật 3 tháng. Số liệu sau thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Kết quả: Tỷ lệ đạt hiệu quả tốt và khá sau điều trị là 88,6%; cải thiện các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, đại tiện phân lỏng nát, đầy chướng bụng, rối loạn tống phân khi đi đại tiện; 92,9% không còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; 82,2% không còn hoặc rối loạn mức độ nhẹ chức năng đại tràng. Viên nang HCR1 có tác dụng cải thiện các chứng trạng Y học cổ truyền, tỷ lệ bệnh nhân đạt kết quả tốt và khá ở thể can khí uất kết cao hơn (91,4%) thể can uất tỳ hư (85,7%).
#Hội chứng ruột kích thích #viên nang cứng HCR1.
ĐẶC ĐIỂM NỘI SOI ĐẠI TRÀNG VÀ MÔ BỆNH HỌC Ở BỆNH NHÂN CÓ TRIỆU CHỨNG CỦA HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH THEO ROME IV
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 517 Số 2 - 2022
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, nội soi đại trực tràng, mô bệnh học (nếu có) trên nhóm bệnh nhân có và không có triệu chứng báo động theo ROME IV và xác định một số yếu tố nguy cơ trên nhóm bệnh nhân có tổn thương u tân sinh nguy cơ cao. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang, ghi nhận triệu chứng lâm sàng và kết quả nội soi đại trực tràng của những bệnh nhân ≥ 18 tuổi đã được nội soi và có triệu chứng của HCRKT theo ROME IV. Kết quả: Chúng tôi ghi nhận 265 ca được nội soi đến manh trành, có 163 trường hợp (61,5%) có triệu chứng của HCRKT theo ROME IV. Kết quả nội soi đại trực tràng ghi nhận: 41,72% bệnh nhân không có tổn thương và 95 trường hợp có tổn thương (33,74% viêm/loét, 9,82% polyp tuyến và 3,68% trường hợp ung thư đại trực tràng). Trong nhóm bệnh nhân không có triệu chứng báo động, tỷ lệ tổn thương sau nội soi đại tràng thấp và không ghi nhận u tân sinh nguy cơ cao. Mô hình dự đoán nguy cơ tổn thương u tân sinh nguy cơ cao là gồm: (1) tuổi, tiêu máu và sụt cân (OR: 1,07, 10,47 và 7,74); (2) tiêu máu, sụt cân và điểm Asian - Pacific Colorectal Screening (OR: 7,47, 1,41 và 2). Kết luận: Trong nhóm bệnh nhân không có triệu chứng báo động, đa số không có tổn thương hoặc không có tổn thương u tân sinh nguy cơ cao. Tỷ lệ u tân sinh nguy cơ cao trong nhóm bệnh nhân HCRKT chiếm tỷ lệ thấp, nhưng tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng báo động và điểm APCS cao. Vì vậy, trước chẩn đoán HCRKT cần chú ý loại trừ những yếu tố nguy cơ này.
#Hội chứng ruột kích thích #triệu chứng báo động #thang điểm Asian - Pacific Colorectal Screening (APCS) #u tân sinh nguy cơ cao
HIỆU QUẢ THUỐC SULPIRIDE TRONG CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG Ở BỆNH NHẬN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 502 Số 1 - 2021
Đặt vấn đề: Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh lý với các triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống (CLCS) của bệnh nhân (BN). Mục tiêu: Khảo sát hiệu quả điều trị của thuốc sulpiride trong cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhận hội chứng ruột kích thích. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả thực hiện trên những BN IBS được bác sĩ chẩn đoán bằng tiêu chuẩn ROME III tại phòng khám Tiêu hoá, bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh từ 01/06/2018 – 01/02/2019, có hoặc không sử dụng sulpiride. Thu thập số liệu về đặc điểm nền của bệnh nhân, điểm CLCS được thu thập dựa trên bộ câu hỏi IBS-QoL phiên bản tiếng Việt đã được dịch thuật và thẩm định cho toàn bộ đối tượng tham gia nghiên cứu tại thời điểm ban đầu và sau 8 tuần theo dõi. Kết quả: Sau 8 tuần theo dõi, 246 BN hoàn thành nghiên cứu, trong đó 120 BN nhóm điều trị có sulpiride và 126 BN nhóm điều trị không có sulpiride, tỷ lệ nữ/nam là 1,4/1. Sau 8 tuần theo dõi, kết quả điểm CLCS tổng thể và các điểm CLCS ở các khía cạnh đặc điểm khó chịu, lo lắng sức khỏe, phản ứng xã hội, mối quan hệ cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không sulpiride (p < 0,001). Khi đánh giá độ thay đổi điểm CLCS, độ thay đổi điểm CLCS tổng thể và các khía cạnh khó chịu, cản trở hoạt động, hình thể, lo lắng sức khỏe, phản ứng xã hội, mối quan hệ ở nhóm có sulpiride cũng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không dùng sulpiride, ulpuride (p < 0,05). Kết luận: Sử dụng thuốc sulpiride điều trị BN IBS giúp cải thiện CLCS tổng thể, thay đổi ở các đặc điểm khó chịu, cản trở hoạt động, hình thể, lo lắng sức khỏe, phản ứng xã hội, mối quan hệ.
#Sulpiride #hội chứng ruột kích thích #chất lượng cuộc sống
ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG Ở BỆNH NHÂN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 511 Số 1 - 2022
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng tiêu hóa thường gặp ở nước ta cũng như trên thế giới, đặc điểm lâm sàng là đau bụng, khó chịu và thay đổi thói quen đại tiện. Mục tiêu: Đánh giá chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Đối tượng và phương pháp: 207 BN trên 18 tuổi, được chẩn đoán hội chứng ruột kích thích theo tiêu chuẩn ROME IV. Tại bệnh viện Bạch mai từ tháng 06/2019 - 09/2020. Phương pháp nghiên cứu: Tiến cứu, mô tả cắt ngang. Kết quả: Điểm chất lượng cuộc sống (CLCS) chung của nhóm nghiên cứu là 79,3 (95%CI: 77,2 – 81,3). Lĩnh vực hạn chế ăn uống có điểm CLCS thấp nhất (62,3; 95%CI: 59,2 – 65,4), tiếp theo là lĩnh vực hoạt động thể chất (67,9; 95%CI: 64,9 – 70,9). Lĩnh vực hoạt động xã hội và các mối quan hệ xã hội có điểm CLCS cao tương ứng là 90,6 (95%CI: 89,1 – 92,1) và 94,0 (95%CI: 92,4 – 95,5). - Nhóm bệnh nhân nghiên cứu có CLCS chủ yếu ở mức độ vừa (87 bệnh nhân tương ứng với 42,0%). Có 12 bệnh nhân (5,8%) có CLCS ở mức rất kém, 42 bệnh nhân (20,3%) có CLCS ở mức kém và 66 bệnh nhân (31,9%) có điểm CLCS ở mức tốt. - Điểm CLCS trên lĩnh vực hoạt động tình dục ở nhóm trên 70 tuổi (100 điểm) cao hơn các nhóm tuổi khác, thấp nhất là ở nhóm tuổi dưới 30 tuổi (77,8; 95%CI: 67,2 – 88,5). Kết luận: Chất lượng cuộc sống chung ở mức vừa (42,0%), CLCS ở mức kém và rất kém 26,1%. Các lĩnh vực hạn chế ăn uống, lo lắng sức khỏe và hoạt động thể chất có điểm CLCS chung ở mức độ kém và vừa (từ 62,3 – 77,9 điểm).
#Hội chứng ruột kích thích #chất lượng cuộc sống
NGHIÊN CỨU RỐI LOẠN LO ÂU, TRẦM CẢM BẰNG THANG ĐIỂM HADS Ở BỆNH NHÂN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Tạp chí Y - Dược học quân sự - Tập 48 Số 4 - Trang 103-113 - 2023
Đặt vấn đề: Rối loạn lo âu (RLLA) và rối loạn trầm cảm (RLTC) gặp khá phổ biến ở bệnh nhân (BN) hội chứng ruột kích thích (HCRKT). Mục tiêu: Khảo sát tình trạng lo âu, trầm cảm bằng thang điểm HADS và một số yếu tố liên quan ở BN HCRKT. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 287 BN đến khám ngoại trú tại Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế và được chẩn đoán HCRKT, đánh giá RLLA và RLTC bằng HADS thông qua bộ câu hỏi. Loại trừ BN nguy cơ cao có bệnh lý thực thể. Kết quả: Tuổi trung bình của BN là 50,9; nữ giới chiếm 51,0%. Thể lâm sàng của HCRKT với táo bón trội (IBS-C) chiếm 25,4%, thể tiêu chảy (IBS-D): 13,6%, thể hỗn hợp (IBS-M): 25,8% và thể không xác định (IBS-U): 35,2%. Đánh giá theo thang điểm HADS, tỷ lệ BN có RLLA là 43,6%, RLTC là 30,3%. Nữ giới có nguy cơ mắc RLLA và RLTC cao hơn nam giới với OR lần lượt 1,66 và 1,96 (p < 0,05). RLLA có nguy cơ cao gặp ở BN HCRKT thể IBS-C (OR = 4,37), IBS-D (OR = 4,44) và IBS-M (OR = 5,59) so với BN IBS-U (p < 0,05). RLTC có nguy cơ cao gặp ở BN HCRKT thể IBS-C (OR = 4,26), IBS-D (OR = 7,01) và IBS-M (OR = 6,59) so với BN IBD-U (p < 0,05). Kết luận: RLLA, RLTC gặp khá phổ biến ở BN HCRKT, các rối loạn này có liên quan đến các thể lâm sàng của HCRKT và giới tính. Do đó, cần đánh giá RLLA, RLTC ở BN HCRKT trong chẩn đoán và theo dõi điều trị để đạt kết quả tối ưu.
#Hội chứng ruột kích thích #ROME IV #Rối loạn trầm cảm #Rối loạn lo âu #HADS
Tác dụng viên hoàn cứng “Kiện vị bổ trung” trong điều trị hội chứng ruột kích thích thể lỏng
Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam - Tập 47 Số 1 - Trang 30-34 - 2023
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng viên hoàn cứng “Kiện vị bổ trung” trong điều trị hội chứng ruột kích thích thể lỏng.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp tiến cứu, so sánh trước và sau điều trị trên 45 bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích thể lỏng điều trị bằng uống viên hoàn cứng “Kiện vị bổ trung”. Các bệnh nhân được khám lâm sàng, nội soi đại tràng, đánh giá triệu chứng lâm sàng và mức độ bệnh theo bảng điểm BSS cải tiến tại các thời điểm D0 , D10 , D20 , D30 đánh giá chất lượng cuộc sống theo thang điểm SF36 tại thời điểm D0 , D30.Kết quả: Các triệu chứng lâm sàng, mức độ bệnh, chất lượng cuộc sống của tất cả 45 bệnh nhân đều được cải thiện theo thời gian điều trị, mức độ bị bệnh tại các thời điểm sau giảm hơn thời điểm trước có ý nghĩa thống kê (p<0,05).Kết luận: Viên hoàn cứng “Kiện vị bổ trung” điều trị hội chứng ruột kích thích thể lỏng mang lại hiệu quả tốt trên lâm sàng đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
#Kiện vị bổ trung #hội chứng ruột kích thích
Tác dụng của Domuvar trên mô hình gây hội chứng ruột kích thích thực nghiệm
Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 183 Số 10 - Trang 340-350 - 2024
Domuvar là sản phẩm chứa probiotic Bacillus subtilis với chỉ định hỗ trợ điều trị triệu chứng các bệnh lý đường tiêu hoá. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá tác dụng bảo vệ và phục hồi của Domuvar trên mô hình gây hội chứng ruột kích thích trên thực nghiệm. Chuột nhắt trắng chủng Swiss được chia thành 6 lô, trong đó lô 1 - 3 được uống nước cất, lô 4 uống mebeverin, lô 5 - 6 uống Domuvar với hai mức liều 0,82 x 109 CFU/kg/ngày và 1,64 x 109 CFU/kg/ngày. Chuột ở các lô 3-6 được gây hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy bằng dầu mù tạt trước khi dùng thuốc thử (để đánh giá tác dụng phục hồi) và sau khi dùng thuốc thử (để đánh giá tác dụng bảo vệ). Kết quả cho thấy Domuvar liều 1,64 x 109 CFU/kg/ngày có tác dụng giảm nhu động ruột thể hiện bằng giảm độ di động than hoạt trong lòng ruột và cải thiện tình trạng phân. Như vậy, Domuvar có tác dụng bảo vệ và phục hồi trên mô hình gây hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy trên thực nghiệm.
#Bacillus subtilis #chuột nhắt chủng Swiss #hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy #dầu mù tạt
NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ BẰNG THANG ĐIỂM CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG Ở NGƯỜI BỆNH HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH ĐẾN PHÒNG KHÁM TIÊU HÓA BỆNH VIỆN ĐA KHOA CÀ MAU NĂM 2022 – 2023
Tạp chí Y Dược học Cần Thơ - Số 64 - Trang 180-185 - 2023
Đặt vấn đề: Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý lành tính, tuy nhiên những triệu chứng đường tiêu hóa lại diễn ra dai dẳng kéo dài, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ và các thể bệnh ở người bệnh có hội chứng ruột kích thích. Đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh có hội chứng ruột kích thích theo thang điểm IBS-QoL trước và sau điều trị. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang và tiến cứu trên 110 bệnh nhân đến khám tại phòng khám Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau từ năm 2022 đến năm 2023. Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích đến khám tại phòng khám tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Cà Mau là 68,2% với tỷ lệ các thể bệnh IBS-D, IBS-C, IBS-M, IBS-U lần lượt là 29,3%; 29,3%; 28% và 13,4%. Sau điều trị điểm chất lượng cuộc sống IBS-QoL mức khá và tốt từ 6,7% tăng lên 98,7%. Kết luận: Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích đến khám tại phòng khám tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Cà Mau chiếm tỷ lệ khá cao, đồng thời các thể bệnh IBS-D, IBS-C, IBS-M có tỷ lệ tương đương nhau. Sau điều trị chất lượng cuộc sống bệnh nhân được cải thiện đáng kể.
#Hội chứng ruột kích thích #IBS #thang điểm chất lượng cuộc sống IBS-QoL
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ HÌNH ẢNH NỘI SOI, HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH THEO ROME IV Ở BỆNH NHÂN VIÊM, LOÉT DẠ DÀY-TÁ TRÀNG NHIỄM HELICOBACTER PYLORI
Tạp chí Y Dược học Cần Thơ - Số 75 - Trang 43-49 - 2024
Đặt vấn đề: Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng mạn tính đường tiêu hóa dưới, được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ROME IV, bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng nhiễm Helicobacter pylori tăng tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi bệnh nhân hội chứng ruột kích thích theo ROME IV ở bệnh nhân viêm, loét dạ dày - tá tràng nhiễm Helicobacter pylori. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 77 bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng nhiễm helicobacter pylori, thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang. Kết quả: tuổi trung bình 45,6±15,1, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới. 100% bệnh nhân có triệu chứng đau bụng ít nhất một lần mỗi tuần trong 3 tháng gần đây. Đau bụng dọc khung đại tràng chiếm tỷ lệ 57,1%. Thay đổi tính chất phân chiếm 90,9%, Hội chứng ruột kích thích ở thể tiêu chảy (IBS-D) chiếm tỷ lệ cao trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm 46,8%. Nội soi đại trực tràng phát hiện tổn thương chiếm 14,3%. Kết luận: 100% bệnh nhân có triệu chứng đau bụng ít nhất một lần mỗi tuần trong 3 tháng gần đây. Đau bụng dọc khung đại tràng chiếm tỷ lệ 57,1%. Thay đổi tính chất phân chiếm 90,9%, Hội chứng ruột kích thích ở thể tiêu chảy (IBS-D) chiếm tỷ lệ cao trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm 46,8%. Nội soi đại trực tràng phát hiện tổn thương chiếm 14,3%.
#hội chứng ruột kích thích #Viêm loét da dày- tràng #Helicobacter pylori
Tổng số: 10   
  • 1